Rắc rối vì không chịu sang tên đổi chủ xe

Rắc rối vì không chịu sang tên đổi chủ xe

Rắc rối vì không chịu sang tên đổi chủ xe

Việc đi xe không chính chủ không chỉ gây rắc rối cho chủ xe mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như xử phạt “nguội” vi phạm.

Thông tư 58/2020 của Bộ Công an đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân khi sang tên đổi chủ xe cũ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn phổ biến tình trạng sử dụng xe không chính chủ, đặc biệt là xe máy. Việc này không chỉ gây rắc rối cho chủ xe mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như xử phạt “nguội” vi phạm.

Nhiều rắc rối vì xe không chính chủ

Một ngày đầu năm 2021, có mặt tại tổ xử lý Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), ông Nguyễn Văn Bình (SN 1970, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang hỏi cán bộ CSGT các thủ tục để về địa phương xin xác nhận sở hữu về chiếc xe vi phạm giao thông đang bị tạm giữ tại đây.

Ông Bình chia sẻ, gia đình mua chiếc xe máy Honda Dream đã nhiều năm nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Cuối tuần trước, vợ chồng ông về quê có việc, ở nhà cậu con trai 15 tuổi chưa có GPLX lấy trộm xe máy đi chơi với bạn, bị cảnh sát 141 bắt giữ.

“Khi biết chuyện, tôi đến Đội CSGT trình giấy tờ xe làm thủ tục nộp phạt lấy xe về thì không được giải quyết do giấy tờ xe không mang tên tôi. Giờ tôi phải xin xác nhận địa phương mới có thể làm thủ tục nộp phạt. Cứ nghĩ xe máy giá trị không cao chỉ cần mua bán trao tay, giờ mới biết không sang tên đổi chủ cũng rắc rối”, ông Bình nói.

Còn chị Vũ Thị Huệ ở xã Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc khá bất ngờ khi được cán bộ công an khu vực và CSGT đến tận nhà thông báo người điều khiển xe máy do chị đứng tên sở hữu không đội MBH, đã bị camera ghi lại làm bằng chứng phạt nguội.

Chiếc xe máy này, chị Huệ đã bán hơn 1 năm nhưng khi bán chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ. Các cán bộ công an tuyên truyền, khuyến cáo chị Huệ nên tìm chủ xe mới để làm thủ tục sang tên, tránh rắc rối pháp lý nếu người chủ xe mới vi phạm giao thông, thậm chí gây va chạm, tai nạn hoặc các vụ việc vi phạm pháp luật khác.

Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, khi xe bị tạm giữ do vi phạm luật giao thông hoặc gây TNGT, cơ quan công an sẽ truy tìm theo đăng ký xe.

Chủ xe sẽ phải tiếp tục chịu trách nhiệm liên đới về mặt hành chính cũng như hình sự nếu như xe sau khi đã bán, cho, tặng không sang tên chủ mới mà chiếc xe nằm trong diện tranh chấp, khởi tố hoặc điều tra vụ việc liên quan.

Với những xe bị tạm giữ, theo quy định hiện chỉ có chủ xe đứng tên trên giấy tờ mới có quyền lấy lại xe. Sẽ rất rắc rối đối với người sử dụng xe nếu chủ xe ở xa hoặc xe sau mua, bán, cho, tặng mà không thể liên lạc được với chủ xe.

“Xe không chính chủ khiến người chủ mới và chủ cũ đều gặp rắc rối và lực lượng chức năng cũng gặp khó khăn trong công tác giải quyết TNGT, xử phạt nguội vi phạm giao thông”, Thiếu tá Chiến nói.

Việc làm thủ tục nộp phạt, lấy xe bị tạm giữ do vi phạm giao thông sẽ gặp khó khăn khi xe không chính chủ

Việc làm thủ tục nộp phạt, lấy xe bị tạm giữ do vi phạm giao thông sẽ gặp khó khăn khi xe không chính chủ

Nước đến chân chưa nhảy

Từ ngày 1/8/2020, Thông tư 58 có hiệu lực đã tháo gỡ, tạo điều kiện rất mở cho người dân làm thủ tục đăng ký phương tiện. Theo Trung tá Phạm Thị Thu Lan, Phó đội trưởng Đội CSGT - trật tự, Công an quận Hà Đông (Hà Nội), những người có nhu cầu sang tên, đổi chủ xe nhưng không tìm được người chủ ban đầu thì chỉ cần có giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu) và viết cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe, có xác nhận của công an cấp xã/phường về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe nộp cho cơ quan đăng ký xe.

Cơ quan đăng ký xe sẽ tiếp nhận và gửi thông báo đến người đứng tên trong đăng ký xe biết và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đăng ký xe. Sau 30 ngày nếu không có các khiếu nại, tranh chấp thì cơ quan đăng ký xe sẽ giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe.

“Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng Thông tư 58 có hiệu lực, vẫn rất ít người đến làm thủ tục sang tên đổi chủ cho những xe cũ đang sử dụng, dù quy định và thủ tục rất cởi mở, dễ dàng. Có thể do thời gian làm thủ tục sang tên, mua bán xe mất giấy tờ đến ngày 31/12/2021 còn dài”, Trung tá Lan nhìn nhận.

Đại úy Vương Tiến Tâm, Đội trưởng Đội CSGT trật tự Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cũng cho biết, Thông tư 58 đã rất tạo điều kiện cho người dân, nhưng vẫn còn người dân chủ quan, không làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện vì không ý thức được việc rắc rối khi sử dụng xe không chính chủ, khi bán xe không sang tên đổi chủ.

“Thông tư 58 chỉ có thời hạn “mở” đến ngày 31/12/2021. Vì vậy, người dân cần khẩn trương thực hiện để tránh sau ngày 31/12/2021, sẽ không thể đăng ký chính chủ cho các xe mua bán qua nhiều đời chủ, mà không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng đã quá lâu”, Đại uý Tâm nói.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng khuyến cáo, đã là tài sản của mình thì chủ phương tiện nên rõ ràng quyền sở hữu. Việc này là để đảm bảo quyền lợi cho chủ phương tiện, tránh tình trạng phiền hà, phức tạp. “Nhất là khi cơ quan chức năng tạo điều kiện, không mất chi phí gì thì tại sao lại bỏ qua cơ hội này”, luật sư nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký và kiểm định phương tiện, Cục CSGT (Bộ Công an) cho hay, Thông tư 58/2020/TT-BCA đã cải cách triệt để về thủ tục hành chính, cũng như tạo thuận lợi cho người dân khi mua bán, sang tên phương tiện chính chủ cho mình. Không chỉ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, các đơn vị quận, huyện, phòng CSGT Công an tỉnh, thành phố đều bố trí người ứng trực trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi đến làm thủ tục đăng kí chính chủ phương tiện.

“Xe mua bán qua nhiều đời chủ mà không có chứng từ chuyển nhượng, hoặc chứng từ chuyển nhượng đã quá lâu; ngay cả xe mất một số giấy tờ, việc đăng kí chính chủ cũng rất đơn giản nhanh gọn, tạo điều kiện cho người mua cuối cùng”, Trung tá Công thông tin.

TRUNG TÂM DỊCH VỤ SANG TÊN XE VIỆT NAM

popup

Số lượng:

Tổng tiền: